Chuseok - ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc
Chuseok - ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Chuseok – Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc có gì khác Việt Nam?

Chúng ta đều biết ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm ở Việt Nam là một trong những ngày lễ, tết quan trọng được gọi với cái tên thân thương là “tết Trung thu”. Vậy còn Trung thu Hàn Quốc thì sao? Người Hàn đón Trung thu như thế nào? Cùng Du học Hàn Quốc Monday so sánh tết Trung thu Việt Nam và Hàn Quốc để biết Chuseok – Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc có gì khác với Việt Nam, bạn nhé!

Với bài viết này, Monday sẽ giới thiệu đến các bạn tên gọi và ý nghĩa ngày Trung thu ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, còn có các thông tin thú vị về văn hóa Trung thu Hàn Quốc, như là món ăn đặc trưng, các hoạt động hay trò chơi thú vị trong ngày lễ, tết quan trọng này. Và đặc biệt, các bạn đang học tiếng Hàn cũng có thể học một vài lời chúc Trung thu Hàn Quốc phổ biến để chúc nhau trong dịp trăng rằm này!

Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc có khác biệt gì so với Việt Nam?
Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc có khác biệt gì so với Việt Nam?

Giới thiệu về Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc gọi là gì?

Người Hàn gọi ngày rằm tháng 8 âm lịch là ngày Chuseok (추석). Nếu như bạn đang thắc mắc Chuseok là gì thì đây là một danh từ gốc Hán có nghĩa là “thu tịch” hay “đêm mùa thu”. Thế nên có thể hiểu Trung thu trong suy nghĩ của người Hàn chính là đêm trăng đẹp nhất mùa thu.

Ngoài Chuseok, ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc còn có khá nhiều cái tên độc đáo và đa dạng khác như Jungchujeol (중추절), Gabae (가배), Gawi (가위) và Hangawi (한가위). Trong số đó, Hangawi là tên gọi phổ biến chỉ sau Chuseok, đây là một từ ghép thuần Hàn gồm Han (한) với nghĩa là lớn (크다) và Gawi với nghĩa là giữa (가운데). Vì thế, ngày tết Trung thu Hàn Quốc được gọi là Hangawi với ý nghĩa “ngày lễ, tết lớn giữa tháng 8” hoặc “ngày lễ, tết lớn giữa mùa thu”.

Giải thích ý nghĩa tên gọi Chuseok và Hangawi
Giải thích ý nghĩa tên gọi Chuseok và Hangawi

Tết Trung thu Hàn Quốc nghỉ mấy ngày?

Cũng có nhiều bạn thắc mắc ngày nào là tết Trung thu hoặc Trung thu bên Hàn Quốc ngày bao nhiêu. Và tất nhiên, ngày tết Trung thu Hàn Quốc cũng diễn ra vào 15/08 âm lịch (음력 8월 15일) như các quốc gia khác. Tuy nhiên, một điều đặc biệt so với Việt Nam là người Hàn sẽ được nghỉ lễ Chuseok trong vòng 3 ngày.

Trong văn hóa Hàn Quốc, ngày tết Trung thu Chuseok được xem là dịp lễ lớn nhất trong năm, lớn hơn cả dịp Tết âm lịch cổ truyền (설날). Nếu đi du lịch vào thời điểm này, các bạn sẽ có cơ hội tham gia các lễ hội Trung thu ở Hàn Quốc được tổ chức trải dài trong suốt tháng 8 hàng năm. 

Ý nghĩa tết Trung thu ở Hàn Quốc

Chuseok – Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc diễn ra vào giữa mùa thu, đối với người nông dân thì đây cũng là thời điểm thu hoạch nông sản và kết thúc mùa vụ. Với những nước phát triển nông nghiệp như Hàn Quốc hay Việt Nam thì Trung thu là một dịp rất quan trọng.

Người Hàn dâng cúng tổ tiên các món ăn làm từ nông sản vừa thu hoạch (rau củ, hoa quả) và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên vì đã ban cho một vụ mùa bội thu. Đồng thời, mọi người cũng tham gia các hoạt động thú vị khác để cầu mong năm sau sẽ tiếp tục là một năm được mùa (풍년). Thế nên, người phương Tây đôi khi nhắc đến ngày tết Trung thu Hàn Quốc, họ sẽ ví von ngày này giống như “Lễ tạ ơn” (Korean Thanksgiving Day).

Mặc dù ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc và Việt Nam đều xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng trong quá trình du nhập và phát triển, Chuseok của Hàn hay Trung thu của Việt nam đều mang màu sắc và ý nghĩa riêng biệt. Trung thu bên Hàn giống như một dịp lễ tạ ơn để con cháu thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, ông bà. Còn với người Việt Nam, Trung thu hay “tết trông trăng” là một ngày lễ dành riêng cho thiếu nhi, là dịp để người lớn quan tâm và vui chơi cùng các em nhỏ.

Dẫu vậy, trong xã hội hiện đại, tết Trung thu ở Hàn Quốc hay Việt Nam, hay bất kỳ một quốc gia châu Á nào khác có truyền thống đón trăng rằm tháng 8 thì ngày này vẫn là một dịp lễ, tết lớn để các thành viên trong gia đình trở về nhà và cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên, sum họp, cùng nhau trông trăng và cầu nguyện cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Ý nghĩa ngày Chuseok - tết Trung thu ở Hàn Quốc
Ý nghĩa ngày Chuseok – tết Trung thu ở Hàn Quốc

Văn hóa Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Người Hàn Quốc ăn gì vào tết Trung thu?

Bánh Trung thu Hàn Quốc

Mỗi mùa trăng tròn tháng 8, người Việt Nam sẽ dâng cúng và biếu tặng món bánh nướng hoặc bánh dẻo truyền thống được gọi là bánh Trung thu. Bánh Trung thu Việt Nam thường có nhân bên trong là thập cẩm hoặc các loại nhân ngọt khác như đậu xanh (녹두), đậu đỏ (팥), dừa (코코넛), v.v. Trong tiếng Hàn, món bánh này được gọi là “Bánh mặt trăng” (월병). Tuy nhiên, món bánh này không quá phổ biến bởi vì có một loại bánh đặc trưng khác trong dịp tết Trung thu bên Hàn Quốc, đó là bánh Songpyeon (송편).

Songpyeon được xem như Bánh Trung thu truyền thống của Hàn Quốc. Đây là món bánh có lớp vỏ bánh bên ngoài làm từ bột gạo mới, bao phủ bên trong là các loại nhân ngọt như đậu đỏ (팥), vừng (깨), hạt dẻ (밤), đậu phộng (콩), v.v.

Songpyeon được xem là bánh Trung thu của Hàn Quốc
Songpyeon được xem là bánh Trung thu của Hàn Quốc

Khác với người Việt thường làm bánh Trung thu theo hình tròn và vuông tượng trưng cho trời và đất, khi làm Songpyeon, người Hàn nặn bánh thành hình bán nguyệt (반달). Bởi vì họ quan niệm rằng mỗi ngày trôi qua trăng tròn lặn dần nhưng trăng khuyết đang được lấp đầy từng chút một, thế nên bánh Songpyeon có hình trăng khuyết để cầu mong không chỉ ngày Chuseok mà những ngày sau này đều sẽ trở nên tốt đẹp và thịnh vượng hơn.

Sau khi nặn xong, Songpyeon sẽ được cho vào nồi hấp, bên dưới có lót một lớp lá thông (솔잎) vừa để ngăn các bánh dính vào nhau vừa để tăng thêm hương thơm cho bánh. Người Hàn đôi khi cũng trang trí thêm hoa văn trên vỏ bánh và cùng nhau thưởng thức những chiếc bánh ngọt ngào bên cạnh tách trà nóng. 

Ngoài Songpyeon, vào ngày tết Trung thu Hàn Quốc, người Hàn cũng chuẩn bị một số bánh kẹo truyền thống khác, được gọi chung là Hangwa (한과). Những loại bánh này cũng được làm từ bột gạo, mật ong hay các loại hoa quả, thảo dược nên có màu sắc tự nhiên và tốt cho sức khỏe. Một số loại Hangwa phổ biến có thể kể đến như Dasik (다식) là loại bánh thường ăn kèm khi uống trà, Yakgwa (약과) là bánh thảo dược mật ong, Gyeongdan (경단) là bánh gạo dạng viên, Yaksik (약식) là cơm thuốc, v.v.

Hangwa - Các loại bánh truyền thống của Hàn Quốc
Hangwa – Các loại bánh truyền thống của Hàn Quốc

Món ăn Trung thu Hàn Quốc

Chuseok được xem là dịp lễ, tết lớn nhất trong năm đối với người Hàn, nên vào ngày này, mâm cúng gia tiên được chuẩn bị rất kỹ càng và công phu. Món ăn trong Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc thường rất đa dạng và tùy thuộc vào nông sản vừa thu hoạch của từng khu vực địa phương hoặc khẩu vị của các gia đình. Phổ biến nhất là các món như canh khoai sọ (토란국), miến trộn (찹재), bánh Pajeon (파전) – món bánh xèo Hàn Quốc chế biến từ hành lá và hải sản. 

Ngoài các món ăn trên thì món chủ đạo trên bàn cúng của người Hàn là cơm, đặc biệt vào ngày Chuseok thì đây là loại cơm nấu từ những hạt gạo mới vừa thu hoạch (매밥). Và cũng không thể thiếu banchan (반찬) – các món phụ ăn kèm nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, bao gồm các loại kim chi (김치), samseak-namul (삼색나물) – món rau ba màu, rong biển (미역) và nhiều món banchan khác rất đa dạng và phong phú.

Miến trộn, canh khoai sọ và bánh Jeon trên bàn cúng gia tiên của người Hàn
Miến trộn, canh khoai sọ và bánh Pajeon trên bàn cúng gia tiên của người Hàn

Mâm cúng Trung thu Hàn Quốc

Mâm cúng gia tiên trong Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc được chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ và đẹp mắt. Ngoài bánh Songpyeon và các món mặn đặc trưng, hai thứ quan trọng không kém trên bàn cúng là trái cây (과일)rượu (술).

Người Hàn thường cúng tổ tiên bằng các loại trái cây như lê (배), táo (사과), hồng (감), chuối (바나나), nho (포도), ngoài ra còn có táo tàu (대추) và hạt dẻ (밤). Các loại trái cây có thể thay đổi tùy theo nông sản thu hoạch và sở thích của gia chủ, tuy nhiên người Hàn không bao giờ dùng quả đào (복숭아) để cúng. Vì trong quan niệm dân gian của họ, cây đào và quả đào có tác dụng xua đuổi ma quỷ nên nếu cúng đào, ông bà, tổ tiên không thể về ăn mâm cúng được.

Rượu để cúng trong ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc thường có hai loại là Soju (소주) và Baekju (백주), loại rượu này cũng được làm từ gạo mới thu hoạch. Rượu cùng với các món ăn được sắp xếp và bày trí cẩn thận trên bàn cúng gia tiên theo một số quy tắc nhất định, như là:

  • Hàng thứ nhất: Canh ở hướng Đông, cơm ở hướng Tây, muỗng đũa đặt ở trung tâm.
  • Hàng thứ hai: Cá ở hướng Đông, thịt ở hướng Tây (đặt đầu cá ở hướng Đông và đuôi cá ở hướng Tây).
  • Hàng thứ ba: Số món canh hầm bày trên mâm phải là số lẻ (thường là 3 hoặc 5 món).
  • Hàng thứ tư: Xếp các món theo thứ tự lần lượt là món khô – món rau củ – nước gạo, nước tương ăn kèm được đặt ở giữa.
  • Hàng thứ năm: Thứ tự sắp xếp thường là táo tàu – hạt dẻ – lê – hồng – táo – các loại bánh.
Quy tắc sắp xếp bàn cúng gia tiên của người Hàn Quốc
Quy tắc sắp xếp bàn cúng gia tiên của người Hàn Quốc

Tương tự như người Hàn, vào mỗi dịp Trung thu, người Việt cũng sẽ chuẩn bị mâm cúng gia tiên vào ban ngày và mâm cúng trăng vào ban đêm. Khi cúng trăng, người Việt thường chuẩn bị mâm ngũ quả để bày tỏ lòng thành kính với đất trời, tổ tiên và cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống của tất cả mọi người đều tốt đẹp.

Những hoạt động thú vị trong Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Olgesimni (올게심니) – Tục treo ngũ cốc khô trước cửa

Vào dịp Chuseok, sau khi thu hoạch nông sản, người nông dân sẽ cắt và treo một ít lúa, ngũ cốc trước cửa nhà, hiên nhà hoặc cột nhà. Số ngũ cốc này được dùng để làm bánh dâng cúng tổ tiên hoặc để tiếp đãi khi có khách tới nhà chơi. Ngày nay, Olgesimni vẫn phổ biến ở các vùng quê, với ý nghĩa chúc mừng mùa màng bội thu năm nay và cầu mong cho năm sau vẫn tiếp tục được như thế.

Làm bánh Songpyeon (송편)

Tự tay nặn những chiếc bánh Songpyeon là một trong những bước chuẩn bị không thể thiếu của người Hàn trong dịp Trung thu. Trước ngày Chuseok, các thành viên trong gia đình sẽ tụ họp và cùng nhau làm bánh Songpyeon. Người Hàn có câu “송편을 예쁘게 빚어야 예쁜 딸을 낳는다”, có nghĩa là “người phụ nữ nào nặn chiếc bánh Songpyeon đẹp sẽ sinh được bé gái xinh xắn”. Hoặc nếu là cô gái trẻ, ai làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp mắt sẽ gặp được ý trung nhân tuấn tú.

Trong Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc, việc cùng nhau làm bánh cũng là một cách để cả gia đình dành thời gian ở bên nhau sau những ngày dài bận rộn với công việc và cuộc sống. Các thành viên nặn bánh và bầu chọn xem ai là người làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp nhất trong tiếng cười đùa vui vẻ.

Tục treo ngũ cốc khô và làm bánh Songpyeon
Tục treo ngũ cốc khô và làm bánh Songpyeon

Charye (차례) – Lễ cúng gia tiên

Vào buổi sáng sớm ngày Trung thu của Hàn Quốc – Chuseok, toàn bộ gia đình sẽ tụ họp tại gian nhà chính, bày trí bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi thức cúng bái tổ tiên được gọi là Charye. Người Hàn thường làm lễ cúng gia tiên trong các dịp lễ, tết lớn trong năm như là Chuseok hay Seollal (설날) – tết âm lịch cổ truyền.

Khi làm lễ cúng gia tiên, người Hàn bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên và cầu mong cho gia đình luôn được khỏe mạnh, bình an. Sau khi cúng, mọi người sẽ cùng chia nhau thức ăn trên bàn cúng, việc này gọi là “ẩm phúc” (음복) với ý nghĩa là “hưởng lộc” tổ tiên ban cho.

Beolcho (벌초) – bách thảo và Seongmyo (성묘) – tảo mộ

Beolcho là nghi thức dọn dẹp cỏ dại xung quanh một, để thể hiện sự tôn kính và tưởng nhớ tổ tiên. Người Hàn thường tiến hành nghi thức Beolcho sau khi kết thúc mùa thu hoạch, và đến giữa tháng 8, tức là dịp Chuseok, họ sẽ đi thăm viếng và cúng bái tại mộ của tổ tiên theo nghi thức Seongmyo. Beolcho và Seongmyo vẫn được duy trì cho đến ngày nay như một cách để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo và biết ơn đối với tổ tiên. 

Truyền thống tảo mộ ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc
Truyền thống tảo mộ ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Ngắm trăng và cầu bình an

Đêm Chuseok là thời điểm mặt trăng trên cao tròn và sáng nhất. Thế nên người Hàn cũng giống như người Việt, cả gia đình cùng nhau tìm vị trí đẹp để ngắm trăng và dưới ánh trăng rằm, tất cả mọi người đều cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những người thân yêu xung quanh.

Trò chơi và nghệ thuật truyền thống trong Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Đối với người Việt Nam chúng ta, vào dịp trăng rằm tháng 8 thì không thể nào thiếu đi hình ảnh chiếc đèn ông sao hoặc các món đồ chơi nhỏ xinh trên tay những đứa trẻ như ông tiến sĩ giấy hay mặt nạ Trung thu. Những chiếc đèn lồng thường được làm thủ công từ tre và giấy gió, được trang trí đẹp mắt với nhiều màu sắc, hoa văn rực rỡ. Trẻ con cùng nhau rước đèn và ngân nga giai điệu Trung thu trong đêm trăng rằm tháng 8. 

Và với Hàn Quốc, trong ngày Chuseok cũng diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị không kém. Đó là các trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co hay điệu múa vòng tròn Ganggangsullae.

Đấu vật (씨름)

Trong số các trò chơi truyền thống trong ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc, đấu vật là trò chơi được biết đến rộng rãi nhất. Trong trò chơi này, hai người (thường là nam) đứng trong hố cát với đường kính khoảng 8m và dùng sức mạnh, kỹ thuật để nắm lấy đai lưng của đối phương và cố gắng làm cho đối phương ngã xuống. Tùy theo từng vùng miền mà các quy tắc của trò chơi có thể được thay đổi cho phù hợp. Ngày nay, mỗi dịp tết Trung thu Hàn Quốc, trò chơi này vẫn được duy trì với hình thức các cuộc thi đấu vật (씨름대회) được tổ chức hàng năm.

Kéo co (줄다리기)

Bên cạnh đấu vật, kéo co cũng là một trò chơi dân gian quen thuộc trong dịp Chuseok. Trò chơi này phổ biến ở các vùng phía Nam Hàn Quốc. Người dân trong các ngôi làng thường tụ họp trong ngày tết Trung thu, chia làm các đội để thi đấu với nhau, đội nào giành được dây sẽ chiến thắng. Luật chơi và dụng cụ cần chuẩn bị rất đơn giản nên mọi lứa tuổi đều có thể chơi được trò kéo co này.

Điệu múa truyền thống Ganggangsullae (강강술래)

Đây là điệu múa vòng tròn nổi tiếng vào đêm rằm tháng 8 âm lịch có nguồn gốc từ vùng biển phía Tây Nam Hàn Quốc. Vào đêm trăng tròn sáng nhất này, các cô gái trong làng thường mặc trên mình bộ Hanbok đẹp và rực rỡ nhất gọi là Chuseokbim (추석빔). Họ tụ họp, nắm tay nhau tạo thành vòng tròn và bắt đầu hát ca, nhảy múa. 

Một người trong số các cô gái sẽ bắt nhịp hát những câu đầu tiên của giai điệu, bài hát Trung thu Hàn Quốc “Ganggangsullae” và các cô gái còn lại cùng nhau vừa múa vòng tròn vừa hát nối tiếp. Từng bước chân nhí nhảnh, động tác múa uyển chuyển cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các cô gái tạo nên màn trình diễn Ganggangsullae độc đáo và đầy tính nghệ thuật.

Điệu múa truyền thống Ganggangsullae trong ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc
Điệu múa truyền thống Ganggangsullae trong ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Lời chúc tiếng Hàn trong Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc

Vào dịp tết Trung thu Hàn Quốc, mọi người thường chúc nhau bằng câu chúc nổi tiếng “더도 말고 덜도 말고 한가위만 같아라”, có thể dịch nghĩa tiếng Việt  là “Không hơn, không kém, chỉ mong vừa tròn như trăng rằm”.

Ngoài ra, khi chúc nhau trong dịp Chuseok, người Hàn thường sử dụng những tính từ như 풍성하다, 풍족하다, 풍요하다, 넉넉하다 với mong muốn chúc nhau luôn được sống đầy đủ, dư dả, giàu có, sung túc.

Các bạn cũng có thể chúc người Hàn “보름달처럼 풍성한 한가위 되세요!” (Chúc bạn một Trung thu đủ đầy như trăng rằm) hoặc “밝은 보름달처럼 행복한 추석 보내세요” (Chúc bạn có một mùa Trung thu hạnh phúc như trăng rằm rực sáng!).

Lời chúc Trung thu bằng tiếng Hàn
Lời chúc Trung thu bằng tiếng Hàn

Vậy thì năm nay, Trung thu Hàn Quốc ngày bao nhiêu? Tết Trung thu ngày mấy dương lịch? Monday xin giải đáp rằng vì Trung thu thường tính theo ngày âm lịch là rằm tháng 8 nên ngày dương lịch sẽ khác nhau theo từng năm. Ví dụ như 2023 này, tết Trung thu của chúng ta sẽ rơi vào ngày 29/9, 2024 là ngày 17/9, 2025 là ngày 6/10 và 2026 là 25/9, v.v. Hãy tranh thủ sắp xếp công việc và về nhà cùng đón Trung thu với gia đình, bạn nhé!

Monday cũng hy vọng rằng bài viết trên đã mang đến những thông tin thú vị về văn hóa Trung thu Hàn Quốc và giải đáp được phần nào đó những thắc mắc của các bạn về câu hỏi Chuseok – Ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc có gì khác với Việt Nam.

Không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức về tiếng Hàn và Hàn Quốc, Du học Hàn Quốc Monday còn thường xuyên mở các lớp Tiếng Hàn du học và Tiếng Hàn xuất khẩu lao động. Vì thế, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về việc học tiếng Hàn và du học Hàn Quốc, đừng ngại liên hệ ngay để đội ngũ của Monday có thể tư vấn cho bạn chi tiết nhất nhé!

Xem thêm:

Tư vấn miễn phí

Form đặt hẹn background trắng cuối mỗi bài viết

Viết một bình luận