Giới thiệu về Hàn Quốc
Giới thiệu về Hàn Quốc

Hàn Quốc, “xứ sở kim chi” tuyệt vời dành cho những ai muốn đi du học

Cái tên Hàn Quốc từ lâu đã không còn là quốc gia xa lạ trên bản đồ thế giới. Thông qua phim ảnh, âm nhạc, thời trang, ẩm thực,… quốc gia này đã trở nên gần gũi và quen thuộc với Việt Nam hơn bao giờ hết. Đặc biệt hơn, Monday cũng muốn giới thiệu về Hàn Quốc như một điểm đến du học tuyệt vời dành cho những ai muốn học tập, nghiên cứu trong môi trường giáo dục chất lượng cao.

Cùng Monday tìm hiểu về đất nước con người Hàn Quốc, cũng như các thông tin tổng quan giới thiệu về Hàn Quốc qua các lĩnh vực cơ bản như kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là giáo dục để hiểu được vì sao đây lại là một trong những quốc gia được nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn nhất nhé!

Giới thiệu về Hàn Quốc
Giới thiệu về Hàn Quốc

Giới thiệu khái quát về Hàn Quốc

Vài nét về đất nước Hàn Quốc

Hàn Quốc hay Đại Hàn Dân Quốc là một quốc gia nằm ở phía Đông Bắc của lục địa châu Á. Đất nước xinh đẹp này là nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên, ngăn cách với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên qua Khu phi quân sự DMZ.

Diện tích Hàn Quốc là 100.210 km², bằng khoảng 1/3 diện tích Việt Nam. Dân số Hàn Quốc khoảng 51.5 triệu người (2022). Địa hình chủ yếu là đồi núi và biển, khí hậu bốn mùa khác nhau rõ rệt nên Hàn Quốc có văn hóa sinh hoạt, ẩm thực, du lịch đa dạng và phong phú.

Thông tin tổng quan về Hàn Quốc
Tên gọi chính thứcĐại Hàn Dân Quốc (대한민국)
Vị trí địa lýVĩ độ Bắc 33˚-43˚, kinh độ Đông 124˚-132˚
Thủ đôSeoul (서울)
Các khu vực hành chính khác– 7 tỉnh: Chungcheong Bắc (충청북도), Chungcheong Nam (충청남도),  Gyeonggi (경기도), Gyeongsang Bắc (경상북도), Gyeongsang Nam (경상남도), Jeolla Bắc (전라북도), Jeolla Nam (전라남도).

– 2 tỉnh tự trị đặc biệt: Gangwon (강원도) và Jeju (제주도).

– 6 thành phố đô thị: Busan (부산), Daegu (대구), Incheon (인천), Gwangju (광주), Daejeon (대전), Ulsan (울산).

– 1 thành phố tự trị đặc biệt: Sejong (세종).
Diện tích100.210 km²
Dân sốKhoảng 51.5 triệu người (2022)
Đơn vị tiền tệWon (원)
Múi giờGMT +9
Quốc khánh15/08
Quốc huy
Quốc huy Hàn Quốc
Quốc huy của Hàn Quốc gồm có biểu tượng Thái cực hai màu đỏ và xanh, xung quanh là 5 cánh hoa Mugung cách điệu và dây ruy băng mang dòng chữ “Daehan Minguk – Đại Hàn Dân Quốc.
Quốc kỳ
Quốc kỳ Hàn Quốc
Cờ thái cực (태극기)

Quốc kỳ của Hàn Quốc gồm có 4 màu: trắng, đen, đỏ và xanh dương. Trong đó, nền màu trắng của lá cờ là màu sắc đại diện cho dân tộc Hàn.

Ở giữa là một vòng tròn thái cực có nửa trên màu đỏ và nửa dưới màu xanh tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương trong văn hóa phương Đông.

Xung quanh vòng tròn là 4 quẻ màu đen tượng trưng cho 4 nguyên tố trong vũ trụ: trời, đất, lửa và nước.
Quốc hoa
Hoa Mugung, quốc hoa của Hàn Quốc
Hoa Mugung (무궁화)

Hoa Mugung là quốc hoa của Hàn Quốc, biểu trưng cho tinh thần dân tộc và tính cách kiên cường, bất khuất của người Hàn.

Đồng thời, giống như tên gọi “Mugung” với ý nghĩa “vô cùng, vô tận”, hoa Mugung là loài hoa “nở mãi không tàn” đại diện cho sự phát triển và tiến bộ không ngừng của đất nước Hàn Quốc.
Quốc caÁi quốc ca (애국가)

Bài hát được sáng tác bởi nhà soạn nhạc Ahn Eak Tae (안익태) vào năm 1936 và được công nhận là quốc ca của Hàn Quốc vào năm 1948.

Ái quốc ca được hiểu là “bài ca yêu tổ quốc”, mang ý nghĩa khích lệ tinh thần yêu nước của dân tộc Hàn.

Vị trí địa lý và khí hậu Hàn Quốc

Vị trí địa lý và địa hình

Hàn Quốc là quốc gia nằm trên nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên, phía Bắc là Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, ba mặt còn lại giáp với biển.

Địa hình Hàn Quốc phân hóa thành hai vùng rõ rệt là vùng đồi núi ở phía Đông (chiếm 70% tổng diện tích) và vùng đồng bằng duyên hải ở phía Tây và Nam.

Dãy núi Taebaek hay Thái Bạch sơn mạch (태백산맥) là dãy núi nằm ở rìa phía đông, được xem là “xương sống” trải dài trên cả hai miền Nam Bắc bán đảo Triều Tiên. Những ngọn núi cao ở Hàn Quốc phần lớn là một phần của dãy núi Taebaek, nổi tiếng nhất là núi Seorak.

Ngoài đồi núi, Hàn Quốc còn có hệ thống sông ngòi phong phú, tiêu biểu là các sông lớn như sông Hán (한강), sông Geum (금강), sông Yeongsan (영산강), sông Seomjin (섬진강) và sông Nakdong (낙동강), v.v.

Vị trí địa lý Hàn Quốc
Vị trí địa lý Hàn Quốc

Khí hậu và thời tiết

Hàn Quốc là một đất nước có khí hậu ôn đới lạnh với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông khác nhau rõ rệt.

Mùa xuân (cuối tháng 3 đến đầu tháng 5), thời tiết nhìn chung khá mát mẻ và dễ chịu, lạnh vào sáng sớm và về đêm, ấm áp vào ban ngày.

Mùa hạ (tháng 6 đến tháng 8) là mùa nóng nhất ở Hàn Quốc, thời tiết oi bức với nhiều đợt nắng nóng gần cuối mùa, độ ẩm tăng cao và mưa nhiều.

Mùa thu (tháng 9 đến cuối tháng 11), thời tiết dễ chịu, khô ráo hơn mùa hạ và cũng không lạnh giá như mùa đông. Trời trong xanh và đôi khi hơi se se lạnh.

Mùa đông (tháng 12 đến tháng 2) là mùa lạnh giá, có tuyết rơi, gió rét và lạnh hơn rất nhiều so với mùa đông ở miền Bắc Việt Nam.

Lịch sử và văn hóa Hàn Quốc

Lịch sử

Lịch sử Hàn Quốc bắt đầu với “truyền thuyết lập quốc Dangun” kể về cuộc đời của vị vua Dangun và sự ra đời của nhà nước Joseon cổ (고조선) vào năm 2333 trước Công nguyên, cũng chính là đất nước đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên.

Truyền thuyết lập quốc Dangun của Hàn Quốc
Truyền thuyết lập quốc Dangun của Hàn Quốc

Sau thời kỳ Joseon cổ, bán đảo Triều Tiên bước vào thời kỳ tiền Tam quốc, sau đó là thời kỳ Tam quốc với sự tồn tại của ba vương quốc Goguryeo (Cao Câu Ly – 고구려), Baekje (Bách Tế – 백제) và Silla (Tân La – 실라). Trong quá trình phát triển, ba vương quốc khi thì liên minh, khi thì chống đối lẫn nhau.

Đến năm 676, Silla thống nhất Tam quốc, trở thành quốc gia phát triển đáng kể cả về lãnh thổ, dân số và kinh tế. Các lĩnh vực khác, đặc biệt là văn hóa Phật giáo cũng phát triển rực rỡ trong thời kỳ này.

Vào cuối thế kỷ 8, Silla suy yếu do đấu tranh nội bộ giành quyền lực trong giới quý tộc. Do đó, Wang Geon (왕건) đánh chiếm Silla, lật đổ triều đại hậu Baekje và tái thống nhất đất nước, dựng nên nhà nước Goryeo (Cao Ly – 고려) trở thành vị vua đầu tiên của triều đại này. Tên gọi Korea cũng ra đời trong thời kỳ này và được biết đến rộng rãi thông qua hoạt động giao thương với các quốc gia khác.

Sau khi nhà nước Goryeo sụp đổ, Yi Seong Gye (이성계) đã dựng nên vương triều Joseon. Có thể nói, đây là triều đại tồn tại lâu nhất, hưng thịnh và để lại nhiều thành tựu rực rỡ nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Joseon - Triền đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Hàn Quốc
Joseon – Triền đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Hàn Quốc

Đến cuối thế kỷ 19, Hàn Quốc rơi vào tay Nhật Bản và phải trở thành thuộc địa của Nhật trong 35 năm (1910 – 1945). Nhờ quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ của quân dân Hàn Quốc và chiến thắng của phe đồng minh trong Thế chiến thứ II, Hàn Quốc đã giành được độc lập chủ quyền và thống nhất đất nước.

Nhưng chưa được bao lâu, Hàn Quốc lại bị chia cắt thành hai miền Bắc Nam, từ đó dẫn đến bùng nổ Cuộc chiến tranh liên Triều (1950 – 1953). Cuối cùng, một hiệp định đình chiến được ký kết giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên.

Tuy trải qua nhiều năm chiến tranh khiến cho Hàn Quốc bị thiệt hại nặng nề về người và của, rơi vào cảnh đói khổ. Nhưng bằng tinh thần bất khuất, tự cường, dân tộc Hàn đã không ngừng nỗ lực làm việc để vực dậy và phát triển đất nước, vươn lên trở thành một trong những quốc gia phát triển mạnh trong khu vực châu Á.

Văn hóa

Nhờ những thuận lợi về mặt vị trí địa lý đặc thù, Hàn Quốc tiếp nhận đồng thời cả văn hóa lục địa và văn hóa biển, từ đó hình thành nên nền văn hóa đa dạng và độc đáo của riêng quốc gia. Văn hóa Hàn Quốc phát triển rực rỡ trong nhiều lĩnh vực như văn học, hội họa, âm nhạc và múa, kiến trúc, trang phục, tôn giáo, ẩm thực Hàn Quốc, v.v.

Đồng thời, sự kết hợp thú vị giữa truyền thống và hiện đại cũng là một yếu tố quan trọng giúp văn hóa Hàn Quốc luôn được giữ gìn và phát triển trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của làn sóng Hallyu (Hàn lưu), văn hóa Hàn Quốc thu hút sự quan tâm và mong muốn tìm hiểu từ rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Các tác phẩm nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hóa Hàn Quốc được người nước ngoài đón nhận và yêu mến.

Văn hóa Hàn Quốc được người nước ngoài đón nhận và yêu mến
Văn hóa Hàn Quốc được người nước ngoài đón nhận và yêu mến

Con người Hàn Quốc

Trong quá trình giao lưu và hợp tác phát triển, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với Hàn Quốc. Thế nên mỗi người đều cảm nhận về con người và đất nước Hàn Quốc theo những cách riêng. Nhưng nhìn chung, người Hàn Quốc được biết đến như là một dân tộc thuần nhất, có lịch sử lâu đời và nền văn hóa đặc sắc. Dưới đây là một số nét nổi bật về con người Hàn Quốc:

  • Người Hàn Quốc thân thiện, hiếu khách: là một dân tộc xem trọng văn hóa cộng đồng như Việt Nam, người Hàn Quốc luôn thân thiện, tốt bụng và tử tế với những người xung quanh và cộng đồng. Họ cũng luôn sẵn sàng chào đón và giúp đỡ tận tình người ngoại quốc đang sinh sống tại đất nước họ.
  • Người Hàn Quốc xem trọng tình cảm: Do chịu ảnh hưởng từ Nho giáo nên người Hàn đặc biệt xem trọng tình cảm, đặc biệt là tình cảm gia đình. Bên cạnh gia đình, họ cũng xem trọng những mối quan hệ thân thiết như tình bạn, đồng môn, đồng hương hay đồng nghiệp, và luôn giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
  • Người Hàn Quốc coi trọng giáo dục và sự nghiệp: Người Hàn tin rằng giáo dục là chìa khóa để thành công trong cuộc sống. Chính vì thế, họ xem trọng việc học, tôn kính thầy cô và luôn nỗ lực hết sức để đạt được thành tích tốt nhất trong học tập.
  • Người Hàn Quốc có tinh thần trách nhiệm cao và luôn đúng giờ: Một trong những nét văn hóa đặc trưng nhất trong doanh nghiệp Hàn Quốc là tinh thần trách nhiệm và đúng giờ. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc vươn xa trên con đường phát triển kinh tế.

Ngôn ngữ và chữ viết Hàn Quốc

Về ngôn ngữ, tiếng Hàn là ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại Hàn Quốc. Đây cũng là một trong những ngôn ngữ được nhiều người theo học trên khắp thế giới vì thú vị và dễ học.

Về chữ viết, bảng chữ cái tiếng Hàn hay hệ thống chữ viết của Hàn Quốc được gọi là Hangeul và có tên chính thức là “훈민정음 (Hunminjeongeum) – Huấn dân chính âm”, có nghĩa là “âm chính xác để dạy cho bách tính”. Hangeul được phát minh bởi Vua Sejong (1397 – 1450), vị vua thứ tư của triều đại Joseon, một trong những vĩ nhân được người dân Hàn Quốc tôn kính.

Bảng chữ cái tiếng Hàn bao gồm 24 chữ cái, trong đó có 10 nguyên âm và 14 phụ âm cơ bản. Hangeul được viết theo hai quy tắc: từ trên xuống dưới và từ trái sang phải.

Năm 1997, Hangeul được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hàn Quốc cũng chọn ngày 9/10 hàng năm là “Ngày Hangeul” – ngày kỉ niệm bảng chữ cái tiếng Hàn ra đời và mang đến những đổi thay quan trọng đối với cả dân tộc Hàn.

Bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul
Bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul

Đời sống sinh hoạt của người Hàn Quốc

Văn hóa nhà ở

Nhà truyền thống của người Hàn Quốc được gọi là Hanok (한옥). Đây là loại nhà được xây dựng với hình dáng và cấu tạo hài hòa với tự nhiên, sử dụng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên như đất, đá, gỗ, bùn,… Đặc biệt, giấy truyền thống Hanji cũng được sử dụng để trang trí các cửa sổ và cửa chính của ngôi nhà.

Hanok thường được cấu tạo bởi gian nhà chính, gian nhà khách, gian nhà trong, các khu biệt lập và gian mở (nơi nghỉ ngơi, thư giãn). Ngoài ra, còn có nơi thờ cúng tổ tiên được xây phía sau và hồ nước ở trước nhà.

Điểm đặc biệt nhất trong các ngôi nhà Hanok chính là hệ thống sưởi Ondol dưới nền nhà. Với nguyên lý hoạt động mang tính khoa học và thực tế cao, Ondol giúp cho sàn nhà ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hạ. Khi đun nấu thức ăn, hơi ấm từ bếp lửa sẽ làm ấm toàn bộ nền nhà.

Người Hàn đã thiết kế để khói của bếp từ lò đun thoát ra, len lỏi khắp mọi nơi dưới nền nhà rồi mới ra ngoài theo đường ống khói. Hệ thống sưởi Ondol này đã ra đời từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Do sống trong các ngôi nhà Hanok nên người Hàn có văn hóa sinh hoạt không mang dép trong nhà và chủ yếu ngồi trực tiếp lên sàn nhà. Tuy nhiên, từ những năm cuối thập niên 1960, các tòa nhà căn hộ bắt đầu được xây dựng và ngày càng phát triển nhanh chóng. Các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, dẫn đến văn hóa nhà ở của Hàn Quốc cũng thay đổi dần theo thời gian.

Ngày nay, tại các thành phố lớn, người Hàn chủ yếu sinh sống trong các căn hộ, nhà riêng, nhà trọ, nhà kết hợp văn phòng, nhà một phòng,… với nhiều mức giá khác nhau tùy theo nhu cầu và điều kiện sống của mỗi người.

Hanok - Nhà ở truyền thống của người Hàn
Hanok – Nhà ở truyền thống của người Hàn

Văn hóa trang phục

Trang phục truyền thống của người Hàn Quốc được gọi là Hanbok (한복 – Hàn phục). Hanbok là một phần của lịch sử Hàn Quốc và cũng là di sản văn hóa quốc gia được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong đời sống hiện đại, Hanbok là bộ trang phục trang trọng, đồng hành xuyên suốt các sự kiện quan trọng trong cuộc đời người Hàn từ những ngày mới ra đời cho đến khi trưởng thành như tiệc thôi nôi, tiệc sinh nhật, lễ trưởng thành, lễ kết hôn hay tiệc mừng thọ.

Ngoài ra, Hanbok còn được mặc trong các dịp lễ lớn như Tết âm lịch cổ truyền Seollal, Tết Đoan ngọ Dano, Tết Trung thu Chuseok.

Còn trong cuộc sống thường ngày, giới trẻ Hàn thường mặc trang phục đơn giản, các màu sắc nhẹ nhàng, không quá nổi bật và thu hút sự chú ý. Đặc biệt, với nữ, người Hàn thường quan niệm có thể mặc váy ngắn nhưng không thể mặc áo hở vai vì sẽ bị xem là “hở hang” và kém thanh lịch.

Hanbok - Trang phục truyền thống của người Hàn
Hanbok – Trang phục truyền thống của người Hàn

Văn hóa ẩm thực

Nhờ lợi thế địa lý 3 mặt giáp biển và 70% diện tích là đồi núi, cùng với các dòng sông trải dài khắp lãnh thổ, văn hóa ẩm thực từng vùng miền, địa phương ở Hàn Quốc vô cùng phong phú và độc đáo.

Món ăn Hàn Quốc chủ đạo trên bàn ăn là cơm, kế đến là các món phổ biến khác như canh, các món mặn, trái cây, đồ tráng miệng (trái cây, bánh kẹo truyền thống) và tất nhiên không thể thiếu đi kim chi –  món ăn phụ được xem như là tinh hoa của ẩm thực Hàn Quốc.

Cơm: Là quốc gia từng trải qua cảnh đói nghèo nên Hàn Quốc đặc biệt xem trọng hạt gạo, họ quan niệm rằng “không gì quý hơn hạt gạo”. Thế nên, cơm cũng là món ăn cơ bản nhất đối với người Hàn, họ thường ăn cơm được nấu từ gạo tẻ. Ngoài ra, cũng có thể trộn gạo với các nguyên liệu khác như đậu, lúa mạch, ngô, khoai tây để tạo nên bữa cơm thơm ngon và nhiều dinh dưỡng.

Banchan (món ăn kèm): Ở Hàn Quốc có rất nhiều các món ăn kèm đa dạng. Cơm và canh thì được để trong bát riêng của từng người nhưng các món ăn kèm được để vào đĩa ở giữa bàn ăn để cùng ăn. Mỗi vùng lại có các loại rau và các nguyên liệu nấu nướng khác nhau nên số loại các món ăn kèm có thể lên tới cả hàng trăm món.

Banchan, các món ăn phụ trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc
Banchan, các món ăn phụ trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc

Kim chi:

Đại đa số mọi người khi khám phá đất nước Hàn Quốc sẽ thắc mắc Hàn Quốc được mệnh danh là gì hay Hàn Quốc nổi tiếng về cái gì, thì câu trả lời là “Xứ sở kim chi” – một cụm từ thú vị gắn liền với văn hóa ẩm thực của quốc gia này. Hàn Quốc nổi tiếng với món kim chi và các món ăn cay.

Trong các loại banchan thì kim chi là món ăn được ưa chuộng nhất và từ lâu đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng của người Hàn. Các loại kim chi được muối từ những nguyên liệu đa dạng như cải thảo, củ cải, dưa chuột, hành lá, v.v. Đặc biệt, vì người Hàn rất thích ăn cay nên họ thường trộn thêm ớt bột để tăng thêm vị cay cho món kim chi.

Việc muối kim chi của người Hàn phổ biến đến mức họ có hẳn một từ gọi là Kimjang để chỉ hoạt động này. Kimjang là hoạt động các thành viên trong gia đình và họ hàng, làng xóm cùng nhau muối một lượng lớn kim chi vào dịp cuối thu để chuẩn bị cho cả mùa đông.

Rượu: Hàn Quốc nổi tiếng với các loại rượu làm từ ngũ cốc lên men. Người Hàn cũng cho cả thảo dược và trái cây vào để làm tăng thêm hương vị của rượu. Một số loại rượu nổi tiếng ở Hàn Quốc có thể kể đến như Soju, Makgeolli, Baekju,…

Rượu Soju trên bàn ăn của người Hàn
Rượu Soju trên bàn ăn của người Hàn

Văn hóa tôn giáo

Hàn Quốc là quốc gia tự do về tôn giáo và quyền tự do tôn giáo của người dân được bảo vệ bằng Hiến pháp. Trong lịch sử, phần lớn các tôn giáo ở Hàn Quốc đều lần lượt trải qua thời kỳ hưng thịnh và suy tàn khác nhau.

Đến ngày nay, các tôn giáo này được hoạt động tự do và tồn tại hài hòa trong xã hội hiện đại. Một số tôn giáo có số lượng tín đồ Hàn đông đảo có thể kể đến như Phật giáo, Tin Lành giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, v.v.

Quá trình công nghiệp hóa thần tốc trong chỉ 20 năm đã mang đến cho Hàn Quốc nhiều thành tựu phát triển vượt bậc, nhưng mặt trái của nó là làm nảy sinh cảm giác bất an, cô độc trong tâm hồn người Hàn. Đó cũng là lý do chính khiến họ tìm đến với những ảnh hưởng của các hoạt động tôn giáo để nhận được sự an ủi, vỗ về trong cuộc sống.

Kinh tế – xã hội Hàn Quốc

Kỳ tích sông Hán – Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc

Là quốc gia gần như bị hủy hoại sau 3 năm Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc. Bằng những kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm từ những năm 1960 với những chiến lược kinh tế tập trung vào xuất khẩu, Hàn Quốc đạt đến sự tăng trưởng kinh tế được ví như “kỳ tích sông Hán”.

Hàn Quốc cũng xuất sắc vượt qua và nhanh chóng khôi phục nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997. Từ những thành tựu xuất sắc về kinh tế, Hàn Quốc được giới truyền thông gọi là một trong “bốn con rồng châu Á”  cùng với Đài Loan, Hồng Kông và Singapore.

Ban đầu, Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu các nguyên liệu thô hoặc sản phẩm công nghiệp nhẹ được sản xuất tại các nhà máy nhỏ. Đến những năm 1970, bằng cách đầu tư vào các cơ sở công nghiệp hóa học và công nghiệp nặng, Hàn Quốc đặt nền móng cho lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nặng. Hiện tại, quốc gia này đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, tiêu biểu là chất bán dẫn.

Hàn Quốc được xem là một trong bốn con rồng châu Á
Hàn Quốc được xem là một trong “bốn con rồng châu Á”

Xã hội Hàn Quốc từ truyền thống đến hiện đại

Trong quá khứ, xã hội Hàn Quốc chịu nhiều ảnh hưởng của các tôn giáo, đặc biệt là Nho giáo với những quan niệm và luật lệ hà khắc. Trải qua hai quá trình công nghiệp hóa và dân chủ hóa, và sau này là quá trình toàn cầu hóa, xã hội Hàn Quốc từ truyền thống đến hiện đại không ngừng biến đổi để phù hợp với thời đại. 

Các chế độ lao động và chính sách phúc lợi dành cho mọi đối tượng trong xã hội luôn được Chính phủ quan tâm và điều chỉnh cho phù hợp nhất. Đặc biệt, các chế độ phúc lợi dành cho người già, trẻ em và người khuyết tật được tăng cường và phát triển mạnh. Mức sống được nâng lên, dịch vụ y tế được cải thiện cũng góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Hàn.

Hàn Quốc chú trọng chế độ phúc lợi xã hội cho người già
Hàn Quốc chú trọng chế độ phúc lợi xã hội cho người già

Giáo dục Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia xem trọng và đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Bởi vì họ xem việc đào tạo nhân tài để tạo ra nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển đất nước. 

Giáo dục Hàn Quốc
Giáo dục Hàn Quốc

Hệ thống giáo dục Hàn Quốc

Chương trình giáo dục cơ bản ở Hàn Quốc bao gồm: hệ mẫu giáo (1 đến 3 năm), tiểu học (6 năm), trung học cơ sở (3 năm), trung học phổ thông (3 năm) và 4 năm đại học. Tất cả mọi công dân đều có nghĩa vụ hoàn thành giáo dục bắt buộc cho đến bậc trung học cơ sở.

Ngoài các trường trung học phổ thông thông thường, Hàn Quốc cũng có các trường đặc biệt như trung học hướng nghiệp hay trung học nghệ thuật để tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc với lĩnh vực mình yêu thích từ sớm.

Ngoài ra, cũng có những trường cao đẳng chuyên nghiệp (2 hoặc 3 năm) và hệ cao học. Bậc đào tạo cao học của hệ thống giáo dục Hàn Quốc được chia thành chương trình học thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong đó, chương trình học thạc sĩ thường đào tạo 2 -3 năm, sau khi kết thúc chương trình phải hoàn thành luận văn thạc sĩ. Chương trình học tiến sĩ thường kéo dài 3 – 4 năm, và cũng phải hoàn thành luận văn tiến sĩ khi kết thúc khóa đào tạo.

Ở các trường học Hàn Quốc, năm học được bắt đầu từ đầu tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 2 năm sau. Một năm học được chia thành hai học kỳ và hai kỳ nghỉ bao gồm kỳ nghỉ hè (từ tháng 7 đến tháng 8) và kỳ nghỉ đông (từ cuối tháng 12 đến tháng 2).

Theo Tạp chí dân số thế giới, Hàn Quốc xếp thứ 17 trong Bảng xếp hạng nền giáo dục tốt nhất trên thế giới (2022). Tuy nhiên, việc giáo dục được chú trọng và ưu tiên cũng gây ra những mặt trái trong xã hội như bệnh chạy theo thành tích của các bậc phụ huynh dẫn đến áp lực nặng nề gây trầm cảm ở học sinh Hàn Quốc.

Hàn Quốc được đánh giá cao về chất lượng giáo dục
Hàn Quốc được đánh giá cao về chất lượng giáo dục

Các trường đại học nổi tiếng ở Hàn Quốc

Hàn Quốc có rất nhiều Trường đại học đào tạo đủ mọi chuyên ngành, lĩnh vực được phân bổ rộng rãi khắp các tỉnh và thành phố lớn. Trong đó, S.K.Y được biết đến như là top 3 Trường đại học danh giá nhất tại Hàn Quốc. Đây là cách viết tắt chữ cái đầu trong tên tiếng Anh của 3 Trường Đại học bao gồm: Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Korea (KU)Đại học Yonsei (YU).

Giống như Harvard ở Mỹ hay Thanh Hoa ở Trung Quốc, người Hàn xem việc được học tập tại một trong ba ngôi trường nổi tiếng này là niềm tự hào lớn lao và tin rằng con đường tương lai chắc chắn sẽ rộng mở, sáng lạn.

Bên cạnh S.K.Y, cũng có rất nhiều trường đại học nổi tiếng tại Seoul đào tạo chương trình đại học và sau đại học. Các khu vực khác như Busan, Daegu hay Incheon cũng sở hữu nhiều ngôi trường chất lượng đạt chất lượng cao. Mỗi trường có thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực, nhưng nhìn chung nền giáo dục đại học tại Hàn Quốc được đánh giá cao, đào tạo nên các thế hệ nhân tài trong đa dạng lĩnh vực.

Đại học quốc gia Seoul, ngôi trường "kiểu mẫu" top đầu Hàn Quốc
Đại học quốc gia Seoul, ngôi trường “kiểu mẫu” top đầu Hàn Quốc

Cơ hội học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc dành cho du học sinh

Không chỉ chú trọng đầu tư và phát triển giáo dục dành cho học sinh, sinh viên trong nước mà Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút sinh viên quốc tế. Rất nhiều du học sinh từ khắp nơi trên thế giới chọn Hàn Quốc là điểm đến để theo đuổi việc học tập, nghiên cứu cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai.

Được học tập, nghiên cứu tại một trong những quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới với chi phí học tập hợp lý, nhiều học bổng và chương trình hỗ trợ, môi trường sống văn minh, cơ hội việc làm hấp dẫn là những lý do giúp cho “xứ sở kim chi” trở thành quốc gia được nhiều du học sinh lựa chọn.

Hơn nữa, mỗi trường đại học tại đây đều có chương trình giảng dạy tiếng Hàn cho sinh viên quốc tế trước khi bắt đầu theo học chuyên ngành nên vấn đề khác biệt ngôn ngữ có thể dễ dàng khắc phục. Các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của du học sinh.

Du học Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội mới
Du học Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội mới

Văn học và nghệ thuật Hàn Quốc

Văn học

Văn học Hàn Quốc được chia thành văn học cổ điển và văn học cận hiện đại. Trong đó, văn học cổ điển phát triển dựa trên bối cảnh tín ngưỡng dân gian truyền thống và chịu ảnh hưởng từ các tôn giáo lớn như Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo.

Khác với văn học cổ điển, văn học cận hiện đại Hàn Quốc trải qua quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây nên chịu ảnh hưởng khá lớn từ những tư tưởng và khuynh hướng tư duy nghệ thuật đến từ phương Tây.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các tác giả Hàn Quốc viết về nhiều chủ đề khác nhau với đa dạng các thể loại văn học. Ban đầu, các tác phẩm chủ yếu được viết bằng chữ Hán, sau đó chữ Hán vốn đại diện cho văn hóa của giai cấp thống trị đã đánh mất vị thế trong xã hội và dần bị thay thế bởi các tác phẩm viết bằng chữ Hangeul do Vua Sejong sáng tạo ra.

Ngày nay, dòng văn học hiện đại của Hàn Quốc cũng ngày càng phát triển và khẳng định được giá trị trong lòng độc giả trong và ngoài nước với những tác phẩm được xuất bản và dịch sang nhiều thứ tiếng. Nhiều tác giả nổi bật có thể kể đến như Han Kang (Người ăn chay), Shin Kyung Sook (Hãy chăm sóc mẹ), Gong Ji Young (Yêu người tử tù), Kim Ae Ran (Những năm tháng rực rỡ), v.v.

Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc nổi tiếng
Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc nổi tiếng

Hội họa và thư pháp

Hội họa Hàn Quốc phát triển nhất trong thời kỳ Joseon với nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và nhiều tác phẩm độc đáo và mang giá trị thời đại cao. Tiêu biểu trong giai đoạn này là thể loại tranh phong cảnh mô tả thực tế Hàn Quốc và tranh mô tả cuộc sống sinh hoạt đời thường.

Jeong Seon (1676 – 1759), Shin Yun Bok (1758 – 1813) và Kim Hong Do (1745 – 1806) được đánh giá là những họa sĩ tiêu biểu trong giới hội họa Hàn Quốc thời kỳ này. Trong đó, Jeong Seon nổi tiếng với dòng tranh thủy mặc, còn Shin Yun Bok và Kim Hong Do chủ yếu dựa vào chất liệu của cuộc sống đời thường để tạo nên các bức họa đỉnh cao.

Tranh phong tục thời Joseon của họa sĩ Shin Yun Bok
Tranh phong tục thời Joseon của họa sĩ Shin Yun Bok

Ngày nay tại Hàn Quốc, các thế hệ họa sĩ đa tài, đa năng nhất thế giới liên tục được đào tạo thông qua quá trình giảng dạy cả hội họa phương Đông và hội họa phương Tây. Phần lớn các họa sĩ người Hàn Quốc đang hoạt động tại các trung tâm của nghệ thuật đương đại như New York, Paris.

Bên cạnh hội họa thì thư pháp là nghệ thuật điều chỉnh bút lông và mực tàu để viết chữ đẹp. Đây cũng là một hình thức nghệ thuật rất được người Hàn yêu thích. Người Hàn gọi 4 món dụng cụ viết thư pháp là “văn phòng tứ bảo”, gồm có: giấy, bút lông, mực tàu và nghiên mài mực. 

Tác phẩm thư nghệ (thư pháp) Hàn Quốc
Tác phẩm thư nghệ (thư pháp) Hàn Quốc

Âm nhạc và múa truyền thống

Âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc được chia thành hai thể loại chính là nhạc cung đình và nhạc dân gian. Trong đó, thuật ngữ Gugak, nghĩa đen là “quốc nhạc”, đề cập đến âm nhạc và các điệu múa truyền thống trong cung đình Hàn Quốc.

Bên cạnh Gugak, âm nhạc dân gian Hàn Quốc cũng phát triển với đa dạng thể loại, phục vụ cho đối tượng và mục đích khác nhau. Nổi bật nhất trong âm nhạc dân gian không thể không nhắc đến nghệ thuật hát kể chuyện Pansori.

Pansori là loại hình hát kể chuyện dân gian với người hát đứng trên sân khấu kể chuyện bằng âm thanh, lời kể, điệu bộ, hòa cùng với nhịp trống của người đánh trống. Hình thức hát kể chuyện pansori phát triển từ thế kỷ 18, nhận được rất nhiều sự mến mộ của công chúng Hàn Quốc và phát triển thành âm nhạc nghệ thuật.

Nghệ thuật Pansori trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc
Nghệ thuật Pansori trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc cũng được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia hoặc các nghi thức tôn giáo. Một đặc trưng khác của âm nhạc truyền thống là thường kết hợp phong phú các loại nhạc cụ, mỗi nhạc cụ có tên gọi và màu sắc âm thanh riêng biệt.

Cùng với âm nhạc, Hàn Quốc cũng có nhiều điệu múa truyền thống được sáng tạo trong suốt tiến trình lịch sử và vẫn được duy trì, gìn giữ cho đến ngày nay. Múa truyền thống Hàn Quốc cũng gồm có các điệu múa cung đình và các điệu múa dân gian.

Tùy thuộc vào nội dung muốn thể hiện, các điệu múa dân gian đa dạng như Ganggangsullae (múa vòng tròn), Gutchum (múa nghi lễ Shaman), Taepyeongmu (điệu múa hòa bình), Buchaechum (múa quạt), Geommu (múa gươm), v.v.

Điệu múa quạt truyền thống của Hàn Quốc
Điệu múa quạt truyền thống của Hàn Quốc

Âm nhạc hiện đại K-pop

K-pop là tên gọi chung của loại hình âm nhạc hiện đại Hàn Quốc đang thịnh hành và được yêu thích trên khắp thế giới. K-pop là một trong những lĩnh vực tiêu biểu mở đầu làn sóng Hallyu và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bài hát “Gangnam Style” (PSY) được xem như thành công vang dội đã mở đường cho sự phát triển của K-pop. Bắt đầu từ Hàn Quốc, sau đó lan sang khu vực châu Á và nhiều nơi khác ở châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ, K-pop ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong lòng người hâm mộ trên khắp thế giới.

Ngày nay, các nhóm nhạc K-pop không ngừng xuất hiện và ghi nhiều dấu ấn trên con đường âm nhạc, đưa K-pop vươn ra thế giới. Nhóm nhạc nữ Wonder Girls gồm 5 thành viên đã tiến vào thị trường Mỹ vào năm 2009 với ca khúc “Nobody” lần đầu tiên lọt vào BXH Billboard Top 100.

Cùng với Wonder Girls, các thần tượng như DBSK, Girls’ Generation, Bigbang, 2PM, 2AM, Super Junior, 2NE1,… đã tổ chức thành công nhiều buổi biểu diễn trên khắp thế giới với sự ủng hộ của đông đảo fan hâm mộ.

BTS, EXO, GOT7, Seventeen, Blackpink, Twice, Red Velvet, Mamamoo… hay Stray Kids, New Jeans, Le Sserafim,… là những nhóm nhạc thần tượng tiêu biểu tiếp nối các thế hệ trước và không ngừng hoạt động tích cực, cống hiến cho nền âm nhạc Hàn Quốc hiện đại bằng các tác phẩm chất lượng cả về phần nghe nhìn và chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

GOT7, một trong những nhóm nhạc K-pop hoạt động tích cực trên toàn cầu
GOT7, một trong những nhóm nhạc K-pop hoạt động tích cực trên toàn cầu

Phim ảnh K-drama và K-movie

Bên cạnh âm nhạc, làn sóng Hallyu cũng lan rộng nhanh chóng nhờ vào sức ảnh hưởng của các tác phẩm phim ảnh đến từ “xứ sở kim chi”. Từ nền điện ảnh lạc hậu, trải qua nhiều khủng hoảng, phim ảnh Hàn Quốc đã không ngừng thay đổi, đột phá và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.

Các nhà làm phim và dàn diễn viên Hàn Quốc đầu tư rất nghiêm túc và sẵn sàng bỏ ra toàn bộ thời gian, tiền bạc, công sức cho mỗi tác phẩm được ra mắt công chúng, chính điều này đã làm nên thành công của các tác phẩm và tạo dựng tên tuổi các cá nhân tham gia vào tác phẩm ấy. 

Về mảng phim truyền hình, “Trái tim mùa thu” (2000), “Bản tình ca mùa đông” (2002), “Ngôi nhà hạnh phúc” (2004) hay “Nàng Dae Jang Geum” (2003) là những tác phẩm tiêu biểu từng khiến bao thế hệ khán giả thổn thức, mở đầu cho con đường phim ảnh của Hàn vươn ra thế giới.

Sau thời kỳ đầu tiên, phim truyền hình Hàn Quốc tiếp tục được đầu tư về cả nội dung và hình ảnh, mang đến cho công chúng ngày càng nhiều tác phẩm ấn tượng. Nổi bật có thể kể đến như “Vườn sao băng” (2009), Hậu duệ mặt trời” (2016), “Yêu tinh” (2016), “Trò chơi con mực” (2021), “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” (2022), v.v.

Về mảng phim điện ảnh, Hàn Quốc có không ít tác phẩm gây tiếng vang và đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài khu vực châu Á. “Oldboy” (2003), “Cổ điển” (2003) , “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” (2013), “Chuyến tàu sinh tử” (2016), “Ký sinh trùng” (2019),… là những tác phẩm nổi bật được yêu thích nhất của làng điện ảnh Hàn Quốc.

Ký sinh trùng, phim điện ảnh Hàn Quốc giành 4 giải Oscar năm 2020
Ký sinh trùng, phim điện ảnh Hàn Quốc giành 4 giải Oscar năm 2020

Du lịch Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những điểm đến du lịch rất được yêu thích bởi du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ cơn sốt Hallyu, số người quan tâm và mong muốn khám phá đất nước này không ngừng gia tăng theo từng năm.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, từ năm 2010 đến năm 2019, số lượng khách du lịch quốc tế đến Hàn Quốc tăng từ khoảng 8 triệu lên gần 17 triệu người. 

Tính đến năm 2019, ngành Du lịch tại Hàn Quốc đã đóng góp khoảng 8,3% GDP của đất nước. Sự thành công của ngành du lịch tại Hàn Quốc chủ yếu nhờ vào các chính sách phát triển du lịch văn hóa và sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng như sân bay, đường giao thông,… và đặc biệt là các chiến lược quảng bá hình ảnh Hàn Quốc đạt hiệu quả cao.

Địa điểm du lịch nổi tiếng

Thủ đô Seoul

Seoul chắc chắn là một điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Hàn Quốc. Đây là thành phố mang cả nét đẹp truyền thống và nét đẹp hiện đại, được bao quanh bởi núi non hùng vĩ, bên dòng sông Hàn thơ mộng là các kiến trúc cổ điển xen lẫn những tòa nhà chọc trời và khu thương mại, giải trí sầm uất. 

Tháp Namsan (Tháp N Seoul) – tháp truyền hình và đài phát thanh đầu tiên tại Hàn Quốc được xây dựng vào năm 1969 – đã trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Seoul. Nơi này còn có đài quan sát có thể chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh của thành phố Seoul lung linh về đêm.

Tại Seoul cũng có nhiều điểm tham quan phù hợp với nhiều sở thích du lịch khác nhau. Cung điện Gyeongbokgung và Deoksugung, Cổng Gwanghwamun dành cho những ai muốn khám tìm hiểu về lịch sử Hàn Quốc;

Núi Naksan, Công viên Mungyeong Saejae dành cho những người yêu thiên nhiên và muốn tìm nơi hít thở không khí trong lành.

Hay Khu phố Itaewon, Công viên Lotte World, các trung tâm thương mại nổi tiếng cũng là những nơi luôn nhộn nhịp và sôi động giữa lòng thành phố.

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc
Thủ đô Seoul, Hàn Quốc

Đảo Jeju

Một địa điểm du lịch được yêu thích khác chính là đảo Jeju, nơi được mệnh danh là “thiên đường tình yêu” của Hàn Quốc. Với phong cảnh tuyệt đẹp, ẩm thực đặc sắc và nhiều nơi tham quan như núi Seongsan Ilchulbong, núi Sanbang, động Manjang, cánh đồng trà xanh O’Sulloc,… Jeju là nơi du lịch tuyệt vời dành cho những ai yêu thích thiên nhiên Hàn Quốc.

Đảo Jeju - "thiên đường tình yêu" nổi tiếng tại Hàn Quốc
Đảo Jeju – “thiên đường tình yêu” nổi tiếng tại Hàn Quốc

Đảo Nami

Một hòn đảo xinh đẹp khác tại “xứ sở kim chi” rất phát triển về du lịch chính là đảo Nami. Nơi này từng là bối cảnh quay của bộ phim truyền hình lãng mạn nổi tiếng “Bản tình ca mùa đông”. Từ đó, số người yêu mến bộ phim tìm đến đảo Nami ngày càng đông.

Với vị trí địa lý khá gần Seoul, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và khu vui chơi, giải trí hấp dẫn, Nami là địa điểm thích hợp cho những chuyến du lịch Hàn Quốc, đặc biệt là vào mùa thu và đông.

Đảo Nami - bối cảnh của nhiều bộ phim Hàn Quốc lãng mạn
Đảo Nami – bối cảnh của nhiều bộ phim Hàn Quốc lãng mạn

Lễ hội địa phương

Cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, bên cạnh các thành phố lớn luôn tấp nập khách du lịch mỗi ngày, các khu vực địa phương Hàn Quốc cũng phát triển rất nhiều chương trình du lịch và sự kiện văn hóa để tôn vinh di sản văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên và quảng bá hình ảnh của địa phương mình.

Do đó, hàng năm có rất nhiều lễ hội cả truyền thống lẫn hiện đại được tổ chức khắp mọi nơi trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Một số lễ hội nổi tiếng có thể kể đến như: “Lễ hội câu cá trên băng ở Hwacheon” tại tỉnh Gangwon với các hoạt động như thi câu cá trên băng, thi bắt cá hồi bằng tay không,…; “Lễ hội múa mặt nạ ở Andong”; “Lễ hội tắm bùn Boryeong”; “Lễ hội đường chân trời ở Gimje”; “Lễ hội hoa anh đào Jeju”, “Lễ hội đèn lồng Jinju Namgang”; “Lễ hội hoa hồng”; “Lễ hội cát tại biển Haeundae”, v.v.

Lễ hội cát ở Haeundae, Hàn Quốc
Lễ hội cát ở Haeundae, Hàn Quốc

Các hoạt động nên trải nghiệm khi đến Hàn Quốc

Là quốc gia có địa hình chủ yếu là đồi núi, một trong những hoạt động phổ biến khi du lịch Hàn Quốc là leo núi và tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, ngắm nhìn quang cảnh xung quanh từ các đỉnh núi tuyệt đẹp của “xứ sở kim chi”. Không chỉ khách du lịch, đây cũng là hoạt động yêu thích của người dân Hàn Quốc vì mang đến những lợi ích tốt cho sức khỏe. 

Ngoài leo núi, khi du lịch Hàn Quốc cũng có thể trải nghiệm các hoạt động du lịch liên quan đến biển tại các thành phố biển và các hòn đảo xinh đẹp, như tắm biển, lặn biển, lướt sóng, chèo thuyền, v.v.

Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, còn có các hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc như tham quan các bảo tàng và làng nghề truyền thống, học làm đồ gốm và đồ thủ công mỹ nghệ, mặc Hanbok, tham gia các lễ hội văn hóa,… để khám phá Hàn Quốc một cách trọn vẹn nhất.

Hàn Quốc, đất nước phát triển và thịnh vượng
Hàn Quốc, đất nước phát triển và thịnh vượng

“Xứ sở kim chi” Hàn Quốc là một quốc gia với rất nhiều điều thú vị đang chờ đợi bạn khám phá. Đặc biệt, đối với những ai đang tìm kiếm một nơi lý tưởng để đi du học thì Monday tin rằng đây chính là đất nước phù hợp nhất dành cho bạn.

Mong rằng qua bài viết chi tiết của Monday giới thiệu về Hàn Quốc, các bạn đã hiểu và có cho riêng mình những cảm nhận về đất nước Hàn Quốc xinh đẹp, thịnh vượng này!

Du học Hàn Quốc Monday là trung tâm có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du học Hàn Quốc và đào tạo tiếng Hàn. Monday luôn sẵn sàng trở thành người đồng hành tốt nhất trên con đường cùng bạn tìm hiểu và đặt chân đến “Xứ sở kim chi” – một điểm đến hoàn hảo dành cho du học sinh.

Thế nên, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về du học Hàn Quốc, hãy để lại thông tin bên dưới để Monday tư vấn tất tần tật mọi thứ cho bạn ngay từ bây giờ nhé!

✌️ Bài viết được biên soạn bởi: Du học Hàn Quốc Monday
👉 Vui lòng trích nguồn khi sử dụng
 

Team Monday với hơn 5+ kinh nghiệm trong lĩnh vực du học Hàn Quốc, hỗ trợ hàng trăm sinh viên thành công du học tại các trường đại học Hàn Quốc. Có chuyên môn sâu rộng về tiếng Hàn, các chương trình du học, thủ tục làm hồ sơ và xin visa đi du học Hàn Quốc. Team Monday luôn cập nhật những thông tin mới nhất về du học và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu với các bạn học sinh sinh viên.
Photo of author

Team Monday

Tư vấn miễn phí

Form đặt hẹn background trắng cuối mỗi bài viết

*Lưu ý: Monday hiện tại chỉ có 1 chi nhánh duy nhất tại Hồ Chí Minh

Viết một bình luận