Là một người nước ngoài, trước khi đến Hàn Quốc, mọi người nên chuẩn bị sẵn những kiến thức cơ bản để tránh rơi vào tình trạng khó xử với 10 Điều cần biết về văn hóa uống rượu “sành điệu” của người Hàn Quốc sau nhé.
Uống rượu đối với người Hàn Quốc không chỉ được coi là hình thức xã giao phổ biến nhất, mà còn là một nét văn hóa độc đáo được truyền lại và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Người Hàn có câu: “Ở Hàn Quốc, người ta tụ tập uống rượu với nhau, khi say có thể đánh nhau, chia tay nhau, rồi hôm sau gặp lại vẫn sẽ cười nói với nhau.”
Và uống rượu không đơn thuần là để say mà còn là để tạo dựng mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp. Chút đồ uống có cồn này có thể giúp người ta ăn ngon miệng hơn, làm nóng bầu không khí hay khiến câu chuyện thú vị hơn.
Tuy nhiên, người Hàn có những nghi thức và quy định riêng về việc uống rượu, đặc biệt là quan hệ thứ bậc trên bàn rượu luôn được coi trọng.
Hiểu rõ vai vế
Người Hàn Quốc rất tôn trọng tuổi tác của mọi người trên bàn tiệc. Do đó, họ thường hỏi tuổi nhau trước khi bắt đầu uống để tiện cách xưng hô. Những người lớn tuổi hơn sẽ được người ít tuổi sử dụng kính ngữ trong câu nói, nhằm thể hiện sự kính trọng.
Ngoài ra, thứ bậc cũng là yếu tố quan trọng giúp bạn quyết định việc hành xử sao cho phù hợp.
Không bỏ đá vào rượu
Người Hàn rất thích ướp lạnh soju và cho rằng soju uống lạnh là ngon hơn cả. Nhưng người Hàn lại không thích cho đá trực tiếp vào rượu hay bia vì nghĩ là đá sẽ khiến rượu bị nhạt. Đây cũng là lí do người Hàn đến Việt Nam ban đầu thấy rất ngạc nhiên khi người Việt lại bỏ đá lạnh vào bia.
Lắc chai cho “sành điệu”
Trước khi uống soju cần lắc mạnh chai để tăng mùi vị lên mức cao nhất, sau đó vỗ nhẹ vào cổ chai rồi mới bắt đầu mở nắp.
Tuy nhiên, việc này chỉ nên làm khi uống cùng bạn bè thân thiết, không nên biểu diễn khi uống cùng người lớn hay người mới gặp.
Không bao giờ tự rót rượu
Khác với người Việt khi uống rượu sẽ có một người rót rượu cho tất cả mọi người, thường là người trẻ tuổi nhất, rồi sau đó tự rót cho mình. Người Hàn Quốc lại rót cho nhau chứ không tự rót rượu cho mình bao giờ.
Thông thường, người rót rượu là người trẻ tuổi nhất hoặc có thứ bậc thấp nhất. Họ sẽ rót với tư thế thẳng lưng, một tay đặt lên ngực hoặc đỡ khuỷu tay kia để tỏ lòng kính trọng.
Đỡ chén rượu bằng hai tay
Trong văn hóa Hàn Quốc, việc cầm hai tay để đưa hay nhận một vật gì đó được xem là một hành động bày tỏ lòng kính trọng. Và theo đó, nếu ly của một người được một người ở vai bậc cao hơn chế rượu cho thì người đó nên giữ ly bằng cả 2 tay.
Và nếu người trẻ rót rượu cho người lớn hơn, thì người rót rượu cũng phải cầm bình rượu bằng 2 tay. Phong tục này gần như có mặt tại mọi xã hội phương Đông, không chỉ riêng ở người Hàn.
Với những người bạn cùng thứ bậc xã hội như nhau, thì việc vầm 2 tay châm hay nhận rượu là điều không cần thiết.
Không rót vào ly rượu uống dở
Thường người Hàn sẽ uống cạn phần rượu trong ly trước khi nhận rượu mới. Họ hay nói uống hết một hớp (oneshot/원샷), đây là cách cổ vũ mọi người trong bàn uống hết ly rượu của họ bằng một hớp duy nhất.
Người Hàn Quốc luôn uống rượu soju bằng chén thủy tinh, cho dù uống rượu một mình họ cũng không uống trực tiếp từ chai. Có lẽ vì rượu soju của Hàn Quốc có nồng độ thấp nên chén rượu uống soju cũng lớn hơn so với chén uống rượu của Việt Nam và một khi đã uống họ sẽ uống cạn chén luôn.
Khi rượu trong chén đã cạn thì người ta sẽ tiếp tục rót đầy chén rượu cho nhau chứ không để chén rượu rỗng không.
Nghiêng người khi uống rượu
Khi uống rượu với người lớn tuổi, người trẻ phải xoay người sang phía khác để uống. Nếu uống rượu mà mặt đối diện với người lớn tuổi được xem như là bất kính.
Vừa uống vừa nhắm
Một trong những đặc điểm chính nữa của văn hóa uống rượu Hàn Quốc là sự xuất hiện rất cần thiết của anju (những món nhắm khi bạn uống rượu), banchan (những món ăn phụ) độc đáo cũng chiếm một vai trò quan trọng như vậy trong bữa ăn của người Hàn Quốc.
Thêm một chú ý là các quán rượu ở bên Hàn còn bán đồ nhắm rượu (안주) đắt hơn nhiều so với rượu Soju hay bia.
Tăng hai
Người Hàn Quốc rất thích ca hát. Đó là lý do trên tivi có rất nhiều chương trình thử giọng. Kết thúc một buổi “nhậu”, họ sẽ rủ bạn đi “tăng hai”, thường là vào các quán karaoke hay quán hoff (quán uống bia và gà rán). Tại đây, mọi người cùng hát, nhảy múa vui vẻ và họ thường dỗ dành, thậm chí dọa nạt hay ép buộc để bạn cũng phải cầm mic hát vài bài.
Từ khi phong trào #Metoo phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc thì văn hóa đi hát sau buổi nhậu ở công ty không còn thịnh hành nữa nên có thể bạn sẽ không còn được thấy tăng hai ở nhiều công ty.
Đừng chạm vào phụ nữ
Phụ nữ uống rượu tại Hàn Quốc là một vấn đề bình thường, thậm chí họ còn có khả năng uống nhiều hơn nam giới. Bởi vậy đừng quá bất ngờ trước khả năng uống rượu của những cô gái Hàn Quốc dịu dàng mà bạn có thể nghĩ rằng họ không quen với bia rượu.
Tuy nhiên, dù cô gái đó có uống nhiều rượu đến đâu thì bạn cũng đừng ép hay đụng chạm vào người cô ấy nhé! Không cẩn thận là có thể bị dẫn lên đồn cảnh sát đấy!
✌️ Bài viết được biên soạn bởi : Du học Hàn Quốc Monday
👉 Vui lòng trích nguồn khi sử dụng